Theo đánh giá, năm 2023 mặc dù thị trường BĐStiếp tục khó khăn về nguồn cung bởi những ảnh hưởng về nguồn vốn, pháp lý, siết chặt tín dụng. Cả DN và người mua đều bị hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay, thậm chí tính đa dạng dòng sản phẩm cũng khiến nhà đầu tư cân nhắc. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao khiến giá đất bị đẩy lên, tạo ra tâm lý e ngại cho nhà đầu tư. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước.
“Sau giai đoạn khó khăn kéo dài, thị trường có nhiều tín hiệu tích cực xét cả về điều kiện kinh tế vĩ mô, chuyển dịch đầu tư và thể chế quản lý. Đó chính là tiền đề quan trọng có thể giúp thị trường lấy lại niềm tin của người mua, nhà đầu tư. Sau một giai đoạn sàng lọc, những nhà đầu tư yếu kém bị đẩy khỏi cuộc chơi. Các chủ đầu tư sẽ hướng sự tập trung vào dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực sẽ ít bị ảnh hưởng nhất” – chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực phân tích.
Nhận định thị trường bất động sản năm 2023
Chính phủ và các cơ quan chức năng đang quyết tâm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến chính sách cho bất động sản. Chính vì vậy, thị trường sẽ sớm đón “ánh sáng” trở lại trong năm 2023.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, liên quan đến những vấn đề của bất động sản, Chính phủ đã vào cuộc một cách quyết liệt và mạnh mẽ. Điều này đang hé ra những điểm sáng nhất định, còn thực hiện được hay không thì còn phải chờ thời thêm thời gian.
Theo ông Thiên, để xử lý những vấn đề của thị trường bất động sản một cách căn cơ thì còn biện pháp lớn khác cần phải làm. Hiện nay, cấu trúc nền kinh tế đầu tư lệch hết về bất động sản. Nguyên nhân do định hướng khuyến khích đầu tư, dẫn dắt dòng vốn bị sai. Để tạo ra môi trường thu hút vốn thì phải sửa chính sách, thay vì khuyến khích đầu cơ như hiện nay gây mất cân đối.
“Lâu nay trong thị trường bất động sản, những khuyến khích cứ hướng vào phân khúc cao cấp. Không bán được mà chỉ đầu cơ, đến lúc tắc nghẽn thì không chỉ gây lãng phí cho nền kinh tế mà còn gây rủi ro cho nền kinh tế, tức là nợ xấu”, PGS. TS Trần Đình Thiên nói.
Đồng quan điểm, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, chưa bao giờ cụm từ “hỗ trợ”, “giải cứu” bất động sản được nhắc đến nhiều như hiện nay. Điều này cho thấy thị trường bất động sản đang có nhiều yếu tố bất thường. Nhưng trong thời gian gần đây, những tác động của thị trường bất động sản đã được nhìn nhận theo hướng tích cực. Đây là điều đáng mừng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, cơ chế chính sách liên quan thị trường bất động sản gồm hai nhóm chính sách ngắn hạn và nhóm trung dài hạn đều đang được Chính phủ tháo gỡ.
Về ngắn hạn, Chính phủ quyết liệt tập trung tháo gỡ rào cản về pháp lý, giúp hàng trăm dự án được giải tỏa, kéo dòng tiền chảy theo, quan trọng là lấy lại niềm tin cho thị trường.
Tiếp theo về vấn đề vốn, hiện nay nóng nhất là về trái phiếu doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp bất động sản không mua lại thì khoản nợ trái phiếu là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp lớn đang rất vất vả đàm phán, thương lượng… để giải quyết trái phiếu đáo hạn, điển hình như Tập đoàn Novaland những ngày qua.
“Nghị định sửa đổi nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp cũng đang được gấp rút sửa đổi dù mới ban hành tháng 9/2022 sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phù hợp thực tiễn tình hình”, ông Lực nói.
Nhóm thứ hai là về vốn tín dụng liên quan thị trường bất động sản cũng được Chính phủ tập trung tháo gỡ như giãn – hoãn nợ, tiếp tục giãn – hoãn thuế, tiền thuê đất…
Với hàng loạt điểm nghẽn về pháp lý, chính sách tín dụng được khẩn trương tháo gỡ, áp dụng trong thời gian tới, TS.Cấn Văn Lực nhận định, khoảng từ cuối quý III/2023 trở đi thị trường bất động sản sẽ “ấm” lên và khởi sắc. Bởi lúc này các doanh nghệp đã ổn định được tâm lý, những chính sách tác động tới thị trường cũng sẽ rõ ràng hơn, cộng thêm là gói hỗ trợ được triển khai.
“Gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đang đề xuất về bản chất thì giống với gói 30.000 tỷ đã triển khai trước đây. Tuy nhiên, lần này phải có đề án đầy đủ và lớp lang để phát triển nhà ở xã hội. Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ trước đây”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Đưa ra dự báo về thị trường trong thời gian tới, TS.Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong quý 1/2023 thì sẽ có nhiều văn bản được ban hành. Đến quý 2 sẽ có nhiều thay đổi trong việc xử lý một số dự án gặp vướng mắc, khó khăn.
“Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đang phải tự cơ cấu, căn chỉnh lại sản phẩm của mình để dễ tiêu thụ hơn trên thị trường. Thậm chí, cả hệ thống từ Chính phủ đến các cơ quan ban ngành cũng đều có sự thay đổi… nên thị trường bất động sản sẽ ấm hơn vào cuối quý 2/2023”, ông Đính chia sẻ.
Dưới góc độ là chuyên gia về kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chỉ trong thời ngắn, Thủ tướng đã ban hành 4 chỉ thị tháo gỡ từ lĩnh vực ngân hàng, các gói lãi suất, tài chính, gói 110.000 tỷ đồng… Động thái này cho thấy Chính phủ đang rất quyết liệt gỡ khó cho nền kinh tế nói chung và sẽ tạo động lực thực cho bất động sản.
“Trong bầu không khí chung này, thị trường bất động sản sẽ có khởi sắc nhưng chậm. Dự báo thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại vào quý III/2023”, PGS.TS Trần Đình Thiên dự báo.
Chân thành cám ơn quý khách hàng đã quan tâm về bài viết. Quý khách hàng có nhu cầu vui lòng gọi cho chúng tôi qua số Hotline : 0906808866 Hoặc điền thông tin Form bên dưới sẽ có nhân viên hỗ trợ (24/7).